Trang chủ Nghệ thuật Khám phá lịch sử Đà Nẵng qua công nghệ 3D Mapping hiện đại

Khám phá lịch sử Đà Nẵng qua công nghệ 3D Mapping hiện đại

bởi Linh

Nhân dịp lễ 30/4 – 1/5, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tổ chức chương trình trình chiếu 3D Mapping đặc biệt, đưa người dân và du khách vào hành trình khám phá lịch sử và sự phát triển rực rỡ của thành phố Đà Nẵng.

Trình diễn 3D Mapping tái hiện lịch sử Đà Nẵng

Chương trình trình diễn 3D Mapping về lịch sử Đà Nẵng

Chương trình trình diễn 3D Mapping về lịch sử Đà Nẵng

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, cho biết chương trình trình chiếu sẽ diễn ra trong 3 đêm (29/4, 30/4 và 1/5) tại cơ sở mới của bảo tàng ở số 42 Bạch Đằng. Chương trình kéo dài 60 phút, chia thành 3 phần: “Đà Nẵng xưa”, “Đà Nẵng kháng chiến” và “Đà Nẵng thời kỳ đổi mới”.

Phần “Đà Nẵng xưa” đưa người xem ngược dòng thời gian về những ngày đầu khi vùng đất này còn gắn liền với các vương quốc Đại Việt và Chăm-pa. “Đà Nẵng kháng chiến” tái hiện những năm tháng đấu tranh chống Pháp và Mỹ, cũng như quá trình Đà Nẵng trở thành đô thị với cái tên Tourane.

Cuối cùng, “Đà Nẵng thời kỳ đổi mới” cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ của thành phố từ năm 1975 đến nay, khi Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa và xã hội hàng đầu cả nước.

Trước đó, từ ngày 23 – 26/4, tại Bảo tàng Đà Nẵng sẽ diễn ra triển lãm mỹ thuật “Vọng” do Sở Văn hoá – Thể thao tổ chức. Triển lãm có sự tham gia của hơn 30 nghệ sĩ, họa sĩ và kiến trúc sư với hơn 70 tác phẩm.

Triển lãm bao gồm các không gian trải nghiệm và tương tác kết hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường, nghệ thuật sắp đặt và trưng bày hình ảnh ký họa về các di tích tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Một trong những điểm nhấn của triển lãm là không gian sắp đặt “Vọng âm Bài chòi”, lấy cảm hứng từ nghệ thuật Bài chòi truyền thống. Tác phẩm tạo hình 30 quân bài với chất liệu gần gũi như gỗ, tre và giấy. Mỗi quân bài được thiết kế với hình ảnh đồ họa hiện đại, phóng đại kích thước ấn tượng.

Không gian tương tác “Vọng cảnh AR” sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường để tái hiện các làng nghề truyền thống và di sản văn hóa của Đà Nẵng. Khán giả có thể tương tác trực tiếp với các hình ảnh và âm thanh sống động.

Cuối cùng, không gian “Di tích Đà Nẵng qua góc nhìn ký họa” trưng bày hơn 50 tác phẩm ký họa đa dạng về màu sắc và góc nhìn, tái hiện các di tích và công trình kiến trúc đặc trưng của thành phố.

Có thể bạn quan tâm